Viêm da do ánh nắng làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh về da như khô da, thâm, nám, tàng nhang, lão hóa, da nhăn nheo…. Thậm chí làm tăng nguy cơ ung thư da.
Da giữ nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể. Lớp biểu bì chứa các tế bào sắc tố quyết định màu sắc của da và ngăn chặn không cho các tia cực tím đi sâu vào da. Da còn là hàng rào vật lý bảo vệ cơ thể trước các tác nhân ngoại lai xâm nhập vào cơ thể. Da chứa các tuyến mồ hôi, có tác dụng điều hòa thân nhiệt.
1. Nguyên nhân gây viêm da do nắng
Khi da tiếp xúc với lượng ánh nắng mà vượt quá khẳ năng bảo vệ của các sắc tố melanin thì sẽ gây ra biểu hiện viêm.
Bất kỳ ai tiếp xúc với ánh nắng đều có thể bị viêm da do ánh nắng. Nhưng những đối tượng sau có nguy cơ cao:
- Những người da trắng, xanh xao, nâu nhẹ có nguy cơ cao bị viêm da do nắng hơn là những người có nước da nâu hoặc đen.
- Một số người do cơ địa dễ nhạy cảm với ánh nắng, do dị ứng, do di truyền cũng làm tăng nguy cơ viêm da do ánh nắng
- Tiếp xúc với hóa chất, dùng thuốc, mỹ phẩm, nước hóa, hay thức ăn....
- Những người ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, khi ra nắng có nguy cơ cao hơn là những người tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời.
- Những người mắc các bệnh về da như lupus ban đỏ, viêm da cơ địa.… cũng rất dễ bị mắc viêm da do ánh nắng.
2. Biểu hiện triệu chứng viêm da do ánh nắng
Các triệu chứng ở các vùng da có tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng, xảy ra sau khi tiếp xúc với ánh nắng cường độ mạnh. Các biểu hiện có thể gặp:
- Da đỏ, khô, bong vảy
- Nếu nặng có thể có nốt phồng giộp, nổi mẩn, phát ban
- Đau rát, ngứa
- Ngoài biểu hiện trên da, có thể có các biểu hiện toàn thân như đau đầu, chóng mặt, khô miệng, khát nước.…
- Các biểu hiện cấp tính trên da có thể khỏi hoàn toàn sau 3 – 5 ngày, nhưng cũng có thể để lại hậu quả lâu dài, như da đen hơn, sạm da, nám, tàn nhang…
3. Điều trị viêm da do ánh nắng
Khi đã bị viêm da do ánh nắng, các biện pháp điều trị sẽ bao gồm điều trị tác nhân và điều trị tại chỗ viêm, trong đó chủ yếu là điều trị tại chỗ.
3.1. Điều trị tại chỗ
Ngay khi bị viêm da do ánh nắng, có thể điều trị ngay bằng cách lau nước mát, tắm bằng nước mát sau khi đã nghỉ ngơi.
Nếu có nốt phồng giộp, dùng gạc sạch băng lại để tránh nhiễm trùng. Có thể dùng các loại kem dưỡng da có tác dụng làm mềm da để bôi lên vùng da bỏng, tránh căng da.
Nếu có đau rát, có thể dùng một trong các thuốc giảm đau chống viêm không steroid để điều trị, như meloxicam, diclofenac, aspirin.…
3.2. Điều trị tác nhân gây viêm da do ánh nắng
Một số trường hợp viêm da do ánh nắng liên quan đến yếu tố dị ứng, viêm da cơ địa.… thì phải điều trị bằng thuốc chống di ứng. Có thể dùng đường uống hoặc bôi tại chỗ. Các loại thuốc thường dùng là thuốc kháng histamin như loratadin, fexofenadin.…
4. Phòng bệnh viêm da do ánh nắng
Biện pháp tốt nhất để phòng viêm da do ánh nắng là tránh tiếp xúc với ánh nắng. Trong trường hợp mà bắt buộc phải tiếp xúc với ánh nắng thì cần thực hiện các biện pháp bảo vệ như:
- Dùng áo chống nắng, che kín toàn bộ da, che càng nhiều càng tốt.
- Những vùng da không thể che phủ, hoặc vì lý do nào đó mà không che được thì dùng kem chống nắng. Hiện nay kem chống nắng có hai chỉ số, PA biểu thị mức độ chống tia UVA và chỉ số SPF biểu thị mức độ chống tia UVB.
Nhược điểm của kem chống nắng là chỉ bảo vệ được vùng da có bôi kem. Hơn nữa, kem chống nắng không thể ngăn chặn được toàn bộ các tia UVB và UVA. Chẳng hạn với kem có chỉ số SPF 15 sẽ chặn được 93% các tia UVB trong vòng 150 phút, sau đó sẽ hết tác dụng.
Một nhược điểm nữa của kem chống nắng là có thể gây bít lỗ chân lông và cũng rất dễ gây dị ứng da.
Viêm da do ánh nắng