Loạn thị là tình trạng hình ảnh quan sát không hội tụ ở võng mạc mà hội tụ ở nhiều điểm, có thể ở phía trước và sau võng mạc. Hậu quả là người bị loạn thị nhìn hình ảnh bị mờ, nhòe hoặc méo mó.

Loạn thị có thể xảy ra do giác mạc (phía trước mắt) hoặc do nhãn cầu (trong mắt), làm mờ hình ảnh khi nhìn ở mọi khoảng cách. Có nhiều loại loạn thị tùy thuộc vào kết hợp với cận thị hoặc viễn thị, có các thể như loạn cận đơn thuần, loạn cận kép, loạn viễn đơn thuần, loạn viễn kép và loạn thị hỗn hợp.

Nguyên nhân gây loạn thị

- Nhiều trường hợp loạn thị không xác định được nguyên nhân, nhưng di truyền là nguyên nhân chủ yếu.

- Trong hầu hết các trường hợp, loạn thị xường xuất hiện từ khi sinh ra, còn gọi là loạn thị do di truyền

- Một số trường hợp loạn thị phát triển sau một chấn thương mắt, bệnh lý tại mắt hoặc sau phẫu thuật mắt.

Yếu tố nguy cơ của loạn thị

Loạn thị có thể gặp ở mọi lứa tuổi, cả trẻ em và người trưởng thành. Tuy nhiên, nguy cơ cao ở những đối tượng:

- Tiền sử gia đình có người bị loạn thị hoặc có các rối loạn ở mắt, đặc biệt người có cả bố và mẹ bị loạn thị thì nguy cơ cao bị loạn thị.

- Tổn thương mắt như sẹo mắt, sẹo giác mạc,…

- Bị cận hoặc viễn quá nặng

- Tiền sử phẫu thuật mắt, như phẫu thuật đục thủy tinh thể

Triệu chứng của loạn thị

Các triệu chứng thường khác nhau tùy người, trong khi có những người bị loạn thị nhưng không hề có triệu chứng gì. Tuy nhiên thường sẽ có các triệu chứng sau:

- Nhìn mờ ở mọi khoảng cách (cả nhìn gần và xa), khó nhìn thấy vật vào ban đêm hoặc ánh sáng yếu

- Nhức mỏi mắt, nheo mắt, chảy nước mắt

- Một số biểu hiện kèm theo như đau đầu, đau cổ, đau vai gáy

Điều trị loạn thị

Trường hợp nhẹ, loạn thị có thể không cần điều trị gì. Nhưng nếu bị nặng, cần phải áp dụng các biện pháp điều trị để tránh bệnh diễn biến nặng hoặc nhược thị. Các biện pháp điều trị:

- Chỉnh kính:

Đây là biện pháp đơn giản, được áp dụng rộng rãi, mang lại hiệu quả cao. Có thể đeo kính mắt hoặc kính áp tròng tùy theo mức độ và nhu cầu. Trước khi đeo phải đo thị lực, lựa chọn loại kính phù hợp.

- Ortho-K (Orthokeratology):

Là phương pháp điều trị sử dụng kính áp tròng cứng, được thiết kế đặc biệt đeo vào ban đêm. Có khả năng làm thay đổi hình dáng của giác mạc trong khi ngủ. Kết quả là khi thức dậy sẽ nhìn thấy mọi vật rõ ràng. Tình trạng này sẽ duy trì suốt cả ngày. Cứ như vậy, lặp lại quy trình gắn Ortho-K vào ban đêm để có thị lực tốt vào ngày hôm sau.

- Phẫu thuật

Trường hợp nặng, có thể tiến hành phẫu thuật. Đây là phương pháp sử dụng tia laser hoặc dao nhỏ để định hình lại giác mạc vĩnh viễn. Phương pháp phẫu thuật được áp dụng phổ biến hiện này là LASIK, PRK, RK. Phương pháp phẫu thuật đều có thể gặp những tai biến nhất định. Do đó chỉ thực hiện khi bệnh nặng mà phương pháp chỉnh kính không đạt kết quả.

- Điều trị hỗ trợ

Trong tất cả các trường hợp, nên uống các sản phẩm dầu gan cá có chứa DHA, EPA như sản phẩm OMEGA 3. Có thể uống thường xuyên, hoặc mỗi đợt 3 tháng, năm 2 – 3 đợt để đạt kết quả cao nhất. Sản phẩm có tác dụng bổ mắt, chống khô mắt, mỏi mắt, phù hợp với mọi trường hợp bị loạn thị.

Dự phòng loạn thị

Nói chung nếu do yếu tố di truyền thì không thể dự phòng được. Các biện pháp dự phòng tập trung vào:

- Tránh các tổn thương có thể xảy ra vùng mắt

- Đeo kính bảo vệ mắt khi làm việc với nguồn sáng mạnh, chói

- Điều trị các bệnh lý về mắt (nếu có), điều trị sớm và triệt để, tránh gây biến chứng loạn thị

- Khi đã bị loạn thị rồi thì phải đi khám và điều trị sớm, tránh bệnh diễn biến nặng

- Tăng cường chế độ ăn giầu vitamin và khoáng chất giúp bổ mắt, như thức ăn giầu vitamin A có trong các loại quả màu đỏ (gấc, cà rốt, cà chua,…). Có thể uống các sản phẩm dầu cá, chứa DHA và EPA như sản phẩm OMEGA 3.
 

Ths.Bs Vũ Văn Lực

Loạn thị