Đái tháo đường là bệnh nội tiết chuyển hóa, liên quan đến việc tiết insulin và tác dụng của insulin trong cơ thể, đặc trưng bởi sự tăng glucose cao trong máu.
Hiện nay chưa xác định được chính xác nguyên nhân của bệnh, nhưng có 3 yếu tố được đề cập đến là yếu tố di truyền, yếu tố miễn dịch và lối sống được xác định là có vai trò trong quá trình hình thành bệnh.
Nhiều trường hợp bệnh có tính chất gia đình rõ, nhưng số khác lại liên quan đến những người ít vận động, thói quen ắn uống và tình trạng béo phì.
Nguyên nhân đái tháo đường type 1
Đái tháo đường type 1 do tổn thương tế bào beta đảo Langerhans tụy, làm ảnh hưởng đến tiết insulin, giảm hoặc mất hoàn toàn insulin. Đái tháo đường type 1 còn gọn là đái tháo đường phụ thuộc insulin. Nguyên nhân có thể do:
- Miễn dịch: Kháng thể kháng tế bào tụy được tìm thấy ở hầu hết các bệnh nhân đái tháo đường type 1. Phức hợp kháng nguyên kháng thể, tấn công tế bào beta của tụy, làm suy giảm hoặc mất hẳn chức năng sản xuất insulin.
- Di truyền: Đái tháo đường type 1 yếu tố di truyền chưa hoàn toàn rõ ràng, nhưng bệnh có tính chất gia đình rõ, có sự gia tăng thường xuyên của kháng nguyên HLA, như HLA B8, B14, B18, DR3, DR4.
- Yếu tố môi trường, nhiễm khuẩn, nhiễm độc,… làm tổn thương tụy, phá hủy tế bào beta của tụy chính là nguyên nhân gây bệnh.
Nguyên nhân đái tháo đường type 2
Đái tháo đường type 2 do không sản xuất đủ insulin hoặc đề kháng insulin ở cơ quan đích, hoặc cả hai. Đái tháo đường type 2 thường gặp nhất, chiếm đến 90% các trường hợp. Nguyên nhân do:
- Di truyền: Gen đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành đái tháo đường type 2. Nghiên cứu ở các cặp sinh đôi cùng trứng cho thấy, nếu một trong hai người mắc đái tháo đường thì 100% người kia cũng mắc.
- Béo phì, ít vận động: Do thừa cân, béo phì dễ dẫn đến đề kháng insulin ở cơ quan đích. Ngoài ra, khi cơ thể thừa quá nhiều năng lượng, như ở những người béo phì và ít vận động thì gây áp lực lên tuyến tụy phải sản xuất nhiều insulin. Tình trạng này diễn ra trong thời gian dài sẽ làm tuyến tụy suy yếu, dẫn đến giảm sản xuất insulin.
Đái tháo đường thai nghén
Khi phụ nữ mang thai, có sự thay đổi nội tiết, làm cho glucose có xu hướng tăng lên, cộng với khả năng dung nạp glucose giảm, hậu quả là lượng glucose máu luôn cao trong máu.
Ngoài ra, trong khi mang thai, thường kèm theo có chế độ ăn nhiều ơn, cơ thể tăng cân, tích lũy nhiều mỡ cũng là yếu tố nguy cơ cao gây tăng glucose máu.
Phần lớn trường hợp đái tháo đường thai nghén, sau khi sinh xong thì lượng glucose máu sẽ về bình thường. Nhưng cũng có một số trường hợp, sau khi sinh diễn biến thành bệnh đái tháo đường type 2.
Ths.Bs Vũ Văn Lực
Đái tháo đường