Đái tháo đường là nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính, đặc trưng bởi sự tăng cao glucose trong máu. Nếu không được điều trị sớm và kịp thời, bệnh có thể để lại nhiều biến chứng nặng nề.

Ngược lại, nếu kiểm soát chặt chẽ glucose máu, làm giảm glucose huyết về mức bình thường sẽ làm giảm các biến chứng của bệnh, giảm tỷ lệ tử vong.

Tốt nhất, nên kiểm soát glucose máu lúc đói ở mức 4,4 – 6,1mmol/l, glucose máu sau ăn 2 giờ ở mức 4,4 – 8,0mmol/l; kiểm soát HbA1C ở mức dưới 7%.

Các biện pháp kiểm soát glucose huyết ở bệnh đái tháo đường bao gồm sử dụng thốc hạ glucose máu, điều chỉnh chế độ ăn, uống, luyện tập thể lực.

Hiện nay nhiều loại thuốc hạ glucose máu có tác dụng tốt như insulin, các loại viên uống hạ glucose máu. Insulin là nội tiết tố do tế bào beta đảo Langerhans tụy tiết ra, có tác dụng vận chuyển glucose vào trong các tế bào để cung cấp năng lượng cho mọi hoạt động của cơ thể. Các viên uống hạ glucose máu hiện nay có nhiều loại, được phân theo cơ chế tác dụng.

Insulin

Có nhiều loại insulin, được phân chia theo thời gian tác dụng. Một số loại insulin thông dụng là:

- Insulin tác dụng nhanh

+ Các loại insulin nhanh thường dùng : Actrapid, Scilin R, Humulin R

+ Thời gian bắt đầu tác dụng 30 – 60 phút, đỉnh tác dụng 2 -3 giờ, thời gian kéo dài tác dụng 3 – 6 giờ.

- Insulin tác dụng trung gian

+ Gồm các loại : NPH, Insulartard, Insulin lente, Scilin N, Humulin N

+ Thời gian bắt đầu tác dụng 2 – 4 giờ, đỉnh tác dụng 6 – 12 giờ, kéo dài 10 – 18 giờ.

- Insulin tác dụng kéo dài

+ Gồm có : Glargin (Lantus), Levemir

+ Thời gian bắt đầu tác dụng 5 giờ, thời gian kéo dài tác dụng 24 giờ.

- Insulin hỗn hợp

+ Được trộn giữa insulin nhanh và trung gian, theo tỷ lệ 30% insulin nhanh và 70% trung gian. Có nhiều loại như Mixtard 30/70, Scillin M, Humulin M,….

+ Thuốc bắt đầu tác dụng sau 30 phút, đỉnh tác dụng 2 – 8 giờ, kéo dài 24 giờ.

- Chỉ định dùng insulin:

+ Bệnh đái tháo đường type 1

+ Đái tháo đường ở phụ nữ mang thai hoặc cho con bú

+ Cấp cứu trong trường hợp tăng đường huyết quá cao

+ Đái tháo đường type 2 trong trường hợp có bệnh cấp tính, suy gan, suy thận, những trường hợp không đáp ứng với thuốc uống hạ đường huyết, những trường hợp chống chỉ định với thuốc uống hạ đường huyết.

- Tác dụng phụ của insulin: Có thể gặp hạ đường máu, hạ kali máu, giữ muối, phù, loạn dưỡng mô mỡ dưới da tại vị trí tiêm, dị ứng tại chỗ tiêm

- Bảo quản insulin: Insulin được bảo quản ở nhiệt độ từ 2 – 8 oC là tốt nhất, ở nhiệt độ thường (15 – 20 oC) chỉ dùng được khi mở nắp lọ trong vòng 1 tháng. Nếu để ở nhiệt độ trên 30 oC insulin sẽ bị giảm tác dụng.

- Chống chỉ định dùng insulin trong trường hợp hạ glucose máu.

Các nhóm thuốc uống hạ glucose máu

Có nhiều loại thuốc uống có tác dụng hạ glucose máu, các nhóm thuốc được phân loại theo cơ chế tác dụng. Các nhóm thuốc uống hạ đường huyết được sử dụng rộng rãi:

- Nhóm thuốc kích thích tiết insulin:

Đại diện cho nhóm này là nhóm sulfonyl urea (còn gọi là sulfamid hạ đường huyết). Có hai nhóm được sử dụng rổng rãi:

+ Gliclazide: Gồm các biệt dược Diamicron 80mg, DiamicronMR 30mg, DiamcronMR 60mg

+ Glimepiride: Amaryl 1mg, 2mg, 4mg.

+ Tác dụng phụ có thể gặp: Nhìn mờ, chán ăn, buồn nôn, táo bón, tiêu chảy, mẩn ngứa, đau đầu, có nguy cơ hạ đường huyết.

+ Chống chỉ định: Đái tháo đường type 1, đái tháo đường nhiễm toan cetone, hôn mê, suy gan, suy thận, phụ nữ có thai hoặc cho con bú, mẫn cảm với các thành phần của thuốc.

- Nhóm Biguanide - Metformin:

+ Một số thuốc được sử dụng rộng rãi: Glucophage, Glucophage XR….

+ Tác dụng: Làm tăng nhạy cảm Insulin ở các mô ngoại vi, giảm sản xuất glucose tại gan, làm chậm hấp thu chất đường bột trong ống tiêu hóa.

+ Tác dụng phụ có thể gặp: Tiêu chảy, buồn nôn, nhiễm toan acid lactic

+ Chống chỉ định: Đái tháo đường type 1, suy gan, suy thận nặng, suy tim, phụ nữ có thai hoặc cho con bú, mẫn cảm với các thành phần của thuốc.

- Nhóm ức chế men α – Glucosidase

+ Hiện này chỉ có Glucobay 50mg được sử dụng, còn các nhóm thuốc khác ít được sử dụng.

+ Tác dụng: Thuốc làm giảm hấp thu chất đường bột từ ống tiêu hóa vào máu.

+ Tác dụng phụ có thể gặp: Đau bụng, tiêu chảy

+ Chống chỉ định: Bệnh đường ruột mạn tính gây giảm hấp thu, phụ nữ có thai hoặc cho con bú, mẫn cảm với các thành phần của thuốc.

- Nhóm ức chế men DPP-4

+ Đây là nhóm thuốc mới, có nhiều ưu điểm trong điều trị đái tháo đường type 2. Một số thuốc được sử dụng rộng rãi là Januvia, Vildagliptin, Saxagliptin…

+ Tác dụng: Thuốc làm ức chế sự giải phóng glucagon, dẫn đến làm tăng tiết insulin, gây hạ glucose huyết

+ Tác dụng phụ có thể gặp: Viêm mũi xoang, đau đầu, buồn nôn, dị ứng

+ Chống chỉ định: Phụ nữ có thai hoặc cho con bú, mẫn cảm với các thành phần của thuốc.
 

Ths.Bs Vũ Văn Lực

Đái tháo đường