Đái tháo đường là nhóm bệnh lý rối loạn chuyển hóa mạn tính, được đặc trưng bởi tăng glucose trong máu do khiếm khuyết tiết insulin hoặc khiếm khuyết tác dụng của insulin hoặc cả hai.

Đái tháo đường để lại nhiều biến chứng nặng nề nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Biểu hiện lâm sàng

Biểu hiện lâm sàng của bệnh đái tháo đường với 4 triệu chứng kinh điển là ăn nhiều, uống nhiều, đái nhiều và gầy nhiều.

- Do lượng insulin giảm hoặc mất tác dụng làm glucose không vào được tế bào, do đó lúc nào cũng có cảm giác đói, ngay cả khi vừa mới ăn xong. Dẫn đến cảm giác thèm ăn, lúc nào cũng muốn ăn.

- Lượng glucose cao trong máu, làm tăng áp lực thẩm thấu máu, sẽ kéo các dịch từ các mô vào máu, làm thiếu nước trong tế bào, dẫn đến cơ thể luôn cảm giác khát nước, hậu quả là sẽ uống nhiều nước.

- Cơ thể uống nhiều nước, cộng với việc áp lực thẩm thấu máu tăng sẽ làm tăng lưu lượng máu qua thận, hậu quả là sẽ đi tiểu nhiều.

- Ăn nhiều hơn bình thường, nhưng do không có insulin, lượng glucose sẽ không đến được mô, cơ thể sẽ huy động các nguồn năng lượng dữ trữ (như chất béo) để cung cấp cho hoạt động, cho nên cơ thể sẽ gầy nhiều.

Đái tháo đường type 1 thường gặp ở người trẻ, trước 30 tuổi. Trong khi đái tháo đường type 2 biểu hiện kín đáo hơn, thường gặp ở người sau 40 tuổi, có hoặc không kèm theo béo phì.

Biểu hiện biến chứng của đái tháo đường

Nếu không được điều trị đúng và đầy đủ, lượng glucose máu cao, không được kiểm soát tốt, đái tháo đường có thể gây nhiều biến chứng. Khi đó ngoài biểu hiện triệu chứng của bệnh còn có biểu hiện của biến chứng nữa. Các biểu hiện của biến chứng đái tháo đường có thể gặp:

- Biểu hiện mắt với các triệu chứng mờ mắt, giảm thị lực, trường hợp nặng có thể mù, xuất huyết võng mạc

- Biểu hiện thận với các triệu chứng albumin niệu tăng cao, tăng huyết áp do tổn thương cầu thận, giảm mức lọc cầu thận.

- Biểu hiện thần kinh ngoại vi với các triệu chứng như tê bì, kiến bò, rối loạn cảm giác, đau nhức dọc theo đường đi dây thần kinh, có thể yếu cớ, liệt, hạn chế vận động…. Biểu hiện thường gặp ở phần thấp của 2 chân, như bàn chân, cẳng chân 2 bên, nhưng cũng có thể gặp ở những vị trí cao của cơ thể.

- Biến chứng nhiễm trùng, những người bị đái tháo đường nguy cơ nhiễm trùng rất cao, khi bị nhiễm trùng rồi thì việc điều trị rất khó khăn, nguy cơ rất cao hình thành các ổ áp xe. Có thể gặp như lao phổi, áp xe phổi, viêm đường tiết niệu, viêm thận bể thận, áp xe thận, nhiễm trùng cơ quan sinh dục, nhiễm trùng da,…

- Bệnh lý bàn chân ở người đái tháo đường phối hợp của 3 yếu tố, đó là bệnh lý mạch máu ngoại biên, bệnh lý thần kinh và suy giảm miễn dịch. Mức độ nhẹ có thể chỉ loét ở ngoài da, chảy nước, hoại tử không có hoặc rất ít. Mức độ trung bình có thể loét sâu hơn, chảy mủ, hoại tử mô mức độ trung bình, có thể có viêm xương. Trường hợp nặng, tình trạng loét sâu vào tận lớp dưới da, thậm chí loét vào xương, khớp, chảy mủ nhiều, hoại tử vô khuẩn nặng và lan rộng.

Hoại tử vô khuẩn nặng là nguyên nhân hàng đầu phải cắt cụt chi, dẫn đến tàn phế, sống phụ thuộc, mất tự chủ.

Các xét nghiệm chẩn đoán đái tháo đường

- Xét nghiệm glucose máu lúc đói: Đây là xét nghiệm thông dụng nhất, dễ thực hiện, là xét nghiệm đầu tiên, vừa có giá trị chẩn đoán vừa có giá trị giúp theo dõi khi điều trị. Để kết quả chính xác, tốt nhất là lấy máu xét nghiệm sau khi ăn ít nhất 12 giờ.

- Nghiệm pháp dung nạp glucose lúc đói: Lấy máu lần 1 sau khi ăn ít nhất 12 giờ để làm xét nghiệm glucose máu, sau đó cho uống 75g glucose được pha vào 200ml nước (uống hết trong vòng 5 phút), tiến hành lấy máu lần 2 sau khi uống 2 giờ và xét nghiệm glucose.

- Xét nghiệm HbA1C: Có giá trị cao, có thể lấy máu bất kỳ thời điểm nào. HbA1C là Hemoglobin của hồng cầu được gắn glucose. Xét nghiệm HbA1C vừa có giá trị chẩn đoán vừa đánh giá được lượng glucose trong vòng 3 tháng gần đây.

Một số xét nghiệm giúp chẩn đoán biến chứng

- Xét nghiệm albumin niệu, microalbumin niệu: Giúp chẩn đoán tổn thương cầu thận trong đái tháo đường giai đoạn sớm

- Soi đáy mắt: Giúp phát hiện sớm tổn thương võng mạc

- Điện tim đồ, siêu âm tim, siêu âm mạch, chụp mạch có cản quang….: Giúp chẩn đoán sớm biến chứng mạch trong đái tháo đường.

Tiêu chuẩn chẩn đoán

Tháng 1/2010, với sự đồng thuận của Ủy ban các chuyên gia Quốc tế, Hiệp hội nghiên cứu ĐTĐ Châu Âu (EASD), Liên đoàn ĐTĐ Quốc tế (IDF); Hiệp hội ĐTĐ Mỹ (ADA) đã công bố tiêu chí chẩn đoán mới bệnh ĐTĐ, đưa HbA1c vào tiêu chí chẩn đoán và lấy điểm cắt ≥ 6,5%. Tuy nhiên không dùng HbA1c để chẩn đoán bệnh ĐTĐ trong các trường hợp thiếu máu, bệnh Hemoglobin, những trường hợp này chẩn đoán ĐTĐ dựa vào đường huyết tương lúc đói, tiêu chí mới như sau:

- HbA1c ≥ 6,5%

- Đường huyết tương lúc đói ≥ 126 mg/dL (7.8 mmol/L) sau một đêm nhịn đói ít nhất sau 8 giờ (≥ 2 lần thử)

- Đường huyết tương bất kỳ ≥ 200mg/dL (11,1mmol/L) + triệu chứng tăng đường huyết.

- Đường huyết tương 2 giờ sau uống 75g Glucose ≥ 200mg/dL (11,1mmol/L), hai lần thử.

Các xét nghiệm chẩn đoán ĐTĐ nên được lặp lại để xác định chẩn đoán, trừ trường hợp đã quá rõ như có triệu chứng tăng glucose huyết kinh điển.

Như vậy theo ADA hiện nay có các giá trị bình thường như sau:

- Đường huyết lúc đói < 100 mg/dl (< 5,6 mmol/L) là đường huyết đói bình thường.

- Đường huyết 2 giờ sau uống 75g glucose < 140mg/dl (< 7,8mmol/L) là dung nạp glucose bình thường.

- HbA1c < 5,7%.

Nhóm có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường:

- Rối loạn đường huyết đói: 100 - 125 mg/dl (5,6 - 6,9 mmol/l)

- Rối loạn dung nạp glucoz: 140 - 199mg/dl (7,8 - 11mmol/l)

- HbA1c: 5,7 - 6,4%

Chẩn đoán bệnh đái tháo đường nói chung khá dễ, chỉ cần làm xét nghiệm glucose máu. Trong trường hợp tăng glucose máu chưa rõ hoặc nghi cờ thì phải làm xét nghiệm nhiều lần để khẳng định chẩn đoán.

Nhiều trường hợp đái tháo đường trong thời gian dài không được phát hiện, thường là đái tháo đường type 2.

Vì thế, để phát hiện sớm đái tháo đường, nên đi khám và làm xét nghiệm glucose máu định kỳ, tốt nhất là mỗi năm khám 2 lần.

Ths.Bs Vũ Văn Lực

Đái tháo đường