Yếu tố sản khoa
Sinh sớm, sinh khó phải can thiệp, tai biến sản khoa...; làm việc quá sức với vai trò trách nhiệm của người mẹ để đáp ứng nhu cầu ăn ngủ của bé dẫn đến rối loạn nhịp sinh học, từ đó khiến người phụ nữ dễ bị trầm cảm sau sinh.
Yếu tố tâm lý
Những yếu tố tâm lý khiến người phụ nữ dễ bị trầm cảm sau sinh có thể là: Phiền muộn, lo âu trước, trong thai kỳ; mang thai ngoài ý muốn; hôn nhân không hạnh phúc, ly dị, ly thân; tiền sử trầm cảm trước, trong thai kỳ; thuộc tuýp người quá nhạy cảm.
Yếu tố sinh học
Yếu tố sinh học khiến người phụ nữ trầm cảm sau sinh gồm sự thay đổi của các hormone estrogen, progesteron, prolactin - tác nhân có thể gây ra những rối loạn tâm thần ở sản phụ; giảm thể tích máu; thay đổi sự chuyển hóa trong cơ thể dẫn đến sự mệt mỏi, thay đổi cảm xúc.
Yếu tố liên quan gia đình, xã hội
Mất việc làm, di chuyển chỗ ở; kinh tế khó khăn; thiếu sự hỗ trợ của chồng và gia đình; đứa trẻ quấy khóc nhiều; giới tính của đứa trẻ,... đều có thể khiến người bị phụ nữ bị trầm cảm.
Lời khuyên của thầy thuốc
Với những trường hợp bị trầm cảm sau sinh ở mức độ nhẹ và vừa: Cải thiện bằng cách điều trị tâm lý, tạo môi trường hòa thuận, ấm áp, an toàn, giúp mẹ chăm sóc em bé ngày và đêm trong tháng đầu.Các bà mẹ mới sinh con lần đầu thường bị áp lực tâm lý nên hãy tạo cho họ cảm giác yên tâm rằng bản thân chăm sóc con nhỏ đã có sẵn ở mỗi người mẹ. Đồng thời, gia đình cần tạo cơ hội thuận lợi tối đa để mẹ được nghỉ ngơi lấy lại sự cân bằng về thể chất và tâm thần.
Với những người bị trầm cảm sau sinh ở mức độ trung bình: Cần tư vấn cho người mẹ và gia đình hiểu đây là trầm cảm của rối loạn cảm xúc thường gặp ở bà mẹ sau sinh, điều trị được và không gây hại lâu dài đến người mẹ và đứa trẻ. Yêu cầu chồng và người thân giúp đỡ bà mẹ chăm sóc đứa trẻ ngày và đêm.Trò chuyện với người mẹ thường xuyên để họ bớt căng thẳng, lo lắng, buồn phiền. Hướng dẫn mẹ bài tập thở khi căng thẳng (2 lần/ngày, mỗi lần 10 phút) và đảm bảo người mẹ được nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ.
Với những trường hợp trầm cảm sau sinh ở mức độ nặng: Cần sử dụng thuốc và thuốc phải được cân nhắc thận trọng bởi bác sĩ chuyên khoa tâm thần chỉ định. Tuyệt đối không được tự động mua thuốc uống sẽ rất nguy hiểm vì tất cả các thuốc điều trị trầm cảm đều được thải trừ một phần qua sữa mẹ và ảnh hưởng đến con. Ở những nơi không có bác sĩ tâm thần, sản phụ cần được tư vấn qua điện thoại để được giúp đỡ.
Để phòng tránh trầm cảm sau sinh, người mẹ cần có tâm lý thoải mái trong thai kỳ, được cung cấp thông tin về chăm sóc thai sản và chăm sóc trẻ sau sinh tại các trung tâm; khám thai định kỳ đều đặn; tâm sự với bạn bè, người thân để học hỏi kinh nghiệm; chuẩn bị tốt mọi điều kiện, phương tiện để đón em bé ra đời; ăn, ngủ, nghỉ ngơi hợp lý.
Trong khi đó, về phía gia đình, mọi người cần quan tâm chăm sóc toàn diện về thể chất và tâm lý, tránh gây sức ép cho người mẹ, tránh tình trạng quá quan tâm đến chăm sóc trẻ mà lơ là việc chăm sóc mẹ khiến họ thấy tủi thân, bị cô đơn, bị bỏ rơi sinh ra buồn chán và dễ lâm vào tình trạng trầm cảm.