Tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, gần đây do thời tiết lạnh nên lượng trẻ đến nhập viện vì mắc bệnh đường hô hấp tăng cao, đặc biệt lượng trẻ bị viêm phổi, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản... tăng đột biến. Nhiều trẻ bị tái đi tái lại dẫn đến tình trạng nặng phải thở máy.

Bác sĩ H’El Êban, Phó trưởng Khoa Hồi sức Cấp cứu Nhi – Nhi sơ sinh Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, khoảng 1 tháng trở lại đây do thời tiết lạnh, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 50 bệnh nhi đến khám do mắc bệnh về hô hấp, có những ngày lên đến gần 100 bệnh nhi. Số bệnh nhi phải nhập viện do viêm đường hô hấp cũng tăng đột biến, nhiều bệnh nhi đến viện khi đã có biểu hiện co giật, khó thở, tím tái. Nhiều bệnh nhi phải thở máy liên tục.

 
Trẻ bị viêm đường hô hấp phải thở máy tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Ảnh: SYTDL

Theo BS H’El Êban, các biểu hiện lâm sàng của viêm đường hô hấp ở trẻ em rất đa dạng. Thông thường, trẻ bắt đầu với các triệu chứng ho, sốt, chảy mũi, nghẹt mũi, sau đó thở nhanh, cánh mũi phập phồng, nặng hơn nữa là nhìn thấy lồng ngực bị rút lõm trong khi thở vào, thở rít, tím tái.

Đa phần bệnh sẽ tự khỏi sau 8-10 ngày, nhưng có một số trường hợp không được xử trí đúng sẽ ảnh hưởng tới hệ thống đường hô hấp dưới gây viêm phổi, viêm phế quản. Nặng hơn có thể gây biến chứng dẫn đến viêm não, viêm cầu thận, thấp tim… Trẻ có thể hôn mê, co giật hoặc thậm chí có thể tử vong. Diễn biến bệnh của trẻ từ mức độ nhẹ sang nặng rất nhanh do đó việc đánh giá, phân loại, xác định điều trị kịp thời là rất quan trọng.

BS H’El Êban khuyến cáo cha mẹ nên phòng bệnh hơn chữa bệnh, chủ động bảo vệ sức khỏe của trẻ nhỏ khi trời lạnh bằng cách giữ ấm cho trẻ khi thời tiết trở lạnh, nhất là khi đưa trẻ đi chơi ngoài trời vào buổi tối hoặc sáng sớm. Lưu ý các vị trí quan trọng như bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng cho trẻ, không cho trẻ mút tay, ngậm đồ chơi vì đây là con đường lây bệnh rất phổ biến. Vệ sinh nhà cửa, bàn ghế, đồ chơi, quần áo cho trẻ thật sạch sẽ, giữ môi trường thông thoáng, tránh ẩm thấp.

Ngoài ra, không cho trẻ tiếp xúc với người hút thuốc lá và không để trẻ hít phải khói thuốc. Khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh viêm đường hô hấp thì cần vệ sinh mũi hàng ngày cho trẻ.

Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc về điều trị, nhất là các loại thuốc kháng sinh vì bệnh hô hấp lúc giao mùa chủ yếu khởi phát là do vi rút nên kháng sinh không có tác dụng. Việc lạm dụng kháng sinh có thể tác hại đến sức khỏe của trẻ do tác dụng phụ của thuốc, tăng nguy cơ kháng kháng sinh, đồng thời tước đi cơ hội rèn luyện miễn dịch của trẻ, tốt nhất khi trẻ bị bệnh, nên cho trẻ tới cơ sở y tế và uống thuốc, điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.

Bên cạnh đó, phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch để tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ, cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Khi trẻ có biểu hiện như khó chịu, bú ít, quấy khóc khi bú, ngủ nhiều hoặc ít hơn bình thường thì cha mẹ cần theo dõi chặt chẽ. Lúc này, ngoài quan sát cách thở của bé qua cánh mũi thì nên vén áo lên để quan sát ngực con. Thấy bé thở nhanh, ngực lõm hơn bình thường thì cha mẹ cần đưa con đến cơ sở y tế.

Ở trẻ nhỏ, viêm phổi diễn tiến rất nhanh, nên việc phát hiện, đưa con đi khám sớm là vô cùng quan trọng, phòng biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.

 
Nguồn: Suckhoedoisong.vn