Huyết áp là áp lực của dòng máu tác động lên thành mạch và sức cản của thành mạch tác động trở lại dòng máu. Huyết áp phụ thuộc vào lực co bóp của tim, thể tích máu, kích thước cũng như độ đàn hồi của thành mạch.

Huyết áp tối đa còn gọi là huyết áp tâm thu, là áp lực thất trái thời kỳ tâm thu. Huyết áp tối thiểu còn gọi là huyết áp tâm trương, là áp lực dòng máu trong lòng mạch ở thời kỳ tâm trương, đây chính là sức cản của thành mạch lên dòng máu.

Trong điều kiện thường, ở người khỏe mạnh, huyết áp tối đa cao hơn huyết áp tối thiểu một khoảng nhất định, nhờ đó và dòng máu được bơm đi khắp cơ thể.

Huyết áp thấp là khái niệm khá là tương đối, thấp với người này nhưng lại bình thường với người khác và ngượi lại. Chẳng hạn, với người huyết áp lý tưởng 110/70mmHg, khi xuống 90/60mmHg được coi là thấp. Nhưng với người cao huyết áp, huyết áp luôn ở mức 140/90mmHg thì khi xuống đến 110/70mmHg lại coi là thấp.

Chưa có một tiêu chuẩn cụ thể để xác định trị số huyết áp bao nhiêu là thấp. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, khi huyết áp dưới ngưỡng 90/60mmHg kèm theo có biểu hiện lâm sàng do huyết áp thấp gây ra thì được coi là huyết áp thấp.

Cần phân biệt hai khái niệm, huyết áp thấp và tụt huyết áp. Huyết áp thấp là tình trạng huyết áp thấp kéo dài, thấp thường xuyên, đây là bệnh bệnh cảnh mạn tính, huyết áp thấp nhưng vẫn làm việc và hoạt động được cho dù ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe.

Tụt huyết áp hay hạ huyết áp là huyết áp đang ở mức bình thường thậm chí cao, đột ngột hạ xuống, đây là bệnh cảnh cấp tính, nguyên nhân do mất máu cấp, giảm thể tích tuần hoàn, bệnh lý tim mạch, dùng thuốc hạ áp quá liều,.… trường hợp này gặp trong vết thương mạch máu gây mất máu cấp, mất nước do nôn hoặc tiêu chảy,… Tụt huyết áp là một cấp cứu, cần phải điều trị ngay, nhanh chón nâng huyết áp lên mức bình thường.

Nguyên nhân gây huyết áp thấp

Có nhiều nguyên nhân gây huyết áp thấp, nhưng phổ biến nhất là:

- Thiếu máu mạn tính, nhất là những người có thể trạng gầy, nhỏ

- Hành kinh ở phụ nữ, phụ nữ mang thai, người mới ốm dậy, lao động quá sức,…

- Huyết áp thấp do di truyền

- Cơ địa huyết áp thấp

- Rối loạn chức năng thể dịch, mất khả năng điều chỉnh huyết áp của cơ thể

- Mắc một số bệnh mạn tính như bệnh tuyến giáp, suy tim, bệnh van tim, rối loạn nhịp tim,…

- Do dùng thuốc như thuốc lợi tiểu, thuốc hướng tâm thần, thuốc giãn cơ trơn,…

Các dạng huyết thấp thường gặp

- Huyết áp thấp do cơ địa: Huyết áp luôn ở mức 90/60mmHg nhưng không hề có biểu hiện gì, vẫn làm việc bình thường, đôi khi có biểu hiện hoa mắt, chóng mặt thoáng qua

- Huyết áp thấp tư thế đứng: Huyết áp thấp xảy ra khi đang nằm hoặc ngồi sau đó đứng lên đột ngột, trường hợp này rất hay gặp ở những người cao tuổi, người thiếu máu,…

- Huyết áp thấp do yếu tố thần kinh: Huyết áp thấp sau khi đứng quá lâu, thường gặp ở người trẻ do làm việc ở tư thế đứng trong một thời gian dài, kèm theo căng thẳng, lo lắng, sợ hãi.

Biến chứng của huyết áp thấp

- Tự ngã: Hay gặp nhất do huyết áp thấp làm tim đập nhanh, choáng váng, hoa mắt, rồi ngã

- Ngất xỉu: Huyết áp thấp, không đủ cung cấp oxy cho não và tim hoạt đột, gây mất ý thức thoáng qua, hậu quả là ngất xỉu tại chỗ

- Giảm trí nhớ: Huyết áp thấp có thể gây giảm trí nhớ, nhiều nghiên cứu cho thấy bệnh Alzheimer liên quan nhiều đến huyết áp thấp, do làm giảm lượng máu lên não.

- Huyết áp thấp có thể gây nhồi cơ tim, nhồi máu não, đây là biến chứng nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng.

- Huyết áp thấp rất dễ bị sốc, do huyết áp vốn dĩ đã thấp, nên chỉ cần một tác động nhẹ, huyết áp giảm xuống và không thể tự điều chỉnh lại mức bình thường được.

Các biểu hiện của huyết áp thấp

Huyết áp thấp thường gây ra các biểu hiện như:

- Đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, choáng váng

- Mạch nhanh, khó thở, thở nông, buồn nôn

- Danh xanh, mặt tái xanh, niêm mạc nhợt, môi tím, chân tay lạnh

- Người mệt mỏi, ngáp liên tục, đêm khó ngủ, nhưng ngày hay ngủ gật, trường hợp nặng có thể ngất xỉu, nhất là khi thay đổi tư thế

- Nhìn mờ, khó tập trung, đãng trí, hay quên….

Điều trị huyết áp thấp

Huyết áp thấp không gây ra các biểu hiện rầm rộ, cũng không có các biến chứng nặng như bệnh tăng huyết áp, nhưng nếu không điều trị kịp thời cũng có thể gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, gây khó khăn trong sinh hoạt và học tập. Các biện pháp điều trị huyết áp thấp:

- Điều trị theo nguyên nhân: Tùy theo nguyên nhân gây ra huyết áp thấp mà có biện pháp điều trị khác nhau, chẳng hạn do thiếu máu thì điều trị thiếu máu.

- Điều trị triệu chứng: Huyết áp thấp gây ra một số biểu hiện triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt, đau đầu,… khi đó cần điều trị hoa mắt, đau đầu, chóng mặt

- Sử dụng thuốc: Có một số thuốc được sử dụng để nâng huyết áp tạm thời như Heptamyl, Coramine glucose,… nhưng có một số tác dụng phụ như nhịp nhanh, hồi hộp, nếu dùng kéo dài có thể xốp xương, teo cơ. Dùng thuốc chỉ cải thiện được huyết áp ngắn hạn, sau khi ngưng thuốc thì huyết áp sẽ sớm trở lại mức thấp. Vì vậy, phải áp dụng các biện pháp điều chỉnh lối sống, còn gọi là điều trị không dùng thuốc để duy trì.

- Các biện pháp điều trị không dùng thuốc:

+ Chế độ ăn: Tăng chế độ ăn giầu chất dinh dưỡng, ăn nhiều bữa mỗi ngày, nên ăn mặn chút so với người bình thường, hàng ngày uống nhiều nước (khoảng 2,5 lít nước sôi để nguội mỗi ngày).

+ Tăng cường luyện tập thể dục thể thao, có thể luyện tập bất cứ môn nào cũng được, miễn là phù hợp với sở thích, độ tuổi và tình trạng sức khỏe, như chạy bộ, đi bộ, bơi lội, thể dục nhịp điệu, aerobic,… tập thường xuyên, ngày ít nhất 60 phút, ít nhất 5 ngày/ tuần.

+ Hạn chế động tác đứng lâu, nhất là đứng lâu ở một tư thế, hạn chế căng thẳng, lo lắng, tránh thay đổi tư thể đột ngột, nhất là từ ngồi hoặc nằm sang đứng, tránh làm việc quá sức, nhất là làm việc trong điều kiện môi trường khắc nghiệt.

+ Thay đổi thói quen sinh hoạt, như uống ít rượu, bia, bỏ hút thuốc (nếu có), ngủ đủ giấc, ngày ngủ ít nhất 8 giờ. Có thể sử dụng một số chất kích thích giúp tăng huyết áp như chè, cà phê, chà ngừng,…
 

Ths.Bs Vũ Văn Lực

Huyết áp thấp