Đái tháo đường là bệnh lý mạn tính, đặc trưng bởi tình trạng tăng glucose cao trong máu. Bệnh diễn biến mạn tính, để lại nhiều biến chứng nặng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Bệnh đái tháo đường có nhiều loại, phổ biến nhất là type 1 và type 2. Việc phân loại bệnh đái tháo đường căn cứ chủ yếu vào cơ chế bệnh sinh gây ra. Mỗi loại có phác đồ điều trị và theo dõi khác nhau.

Theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới năm 1999, bệnh đái tháo đường có các loại sau:

Đái tháo đường type 1

Nguyên nhân do tự miễn hoặc đôi khi không rõ nguyên nhân, gây hủy hoại tế bào beta đảo Langerhans của tụy, dẫn đến thiếu hụt gần như tuyệt đối insulin. Hậu quả là làm tăng glucose máu.

Bệnh thường gặp ở người trẻ, trước 30 tuổi, thể trạng gầy. Tùy nhiên cũng có thể gặp ở người cao tuổi hoặc người béo phì.

Biểu hiện của đái tháo đường type 1 khá rầm rộ với 4 triệu chứng điển hình là ăn nhiều, uống nhiều, đái nhiều và gầy nhiều. Do lượng insulin giảm hoặc mất hoàn toàn làm glucose không vào được tế bào, do đó lúc nào cũng có cảm giác đói, ngay cả khi vừa mới ăn xong.

Lượng đường cao trong máu, làm tăng áp lực thẩm thấu trong máu, các dịch được kéo từ các mô vào máu, làm cơ thể khát nước nhiều, khiến cho cơ thể uống nhiều và đi tiểu nhiều.

Ăn nhiều hơn bình thường, nhưng do không có insulin, lượng glucose sẽ không đến được mô, cơ thể sẽ huy động các nguồn năng lượng dữ trữ (như chất béo) để cung cấp cho hoạt động, cho nên cơ thể sẽ gầy nhiều.

Điều trị đái tháo đường type 1 phụ thuộc hoàn toàn vào insulin, tức người bệnh phải tiêm insulin suốt đời.

Bệnh đái tháo đường type 1 nếu không được kiểm soát đường huyết tốt có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề. Biến chứng cấp tính có thể gặp là nhiễm toan cetone là biến chứng nặng, có thể gây tử vong nhanh chóng. Ngoài ra có thể gặp các biến chứng mạn tính như biến chứng mắt, biến chứng thận, biến chứng tim mạch, biến chứng thần kinh ngoại biên.

Đái tháo đường type 2

Còn gọi là đái tháo đường không phụ thuộc insulin, nguyên nhân do kháng insulin ở cơ quan đích hoặc do suy giảm chức năng tế bào beta đảo Langerhans của tụy, hoặc vừa có kháng insulin ở cơ quan đích vừa có suy giảm chức năng tế bào beta đảo Langerhans tụy.

Đái tháo đường type 2 chiếm đến 90% các trường hợp bị đái tháo đường, bệnh thường gặp ở người sau 40 tuổi, người béo phì. Tuy nhiên cũng có thể gặp ở người trẻ hoặc người gầy.

Đái tháo đường type 2 thường âm thầm, ít rầm rộ hơn so với đái tháo đường type 1. Nhiều trường hợp diễn ra trong nhiều năm, chỉ được phát hiện do tình cờ.

Biểu hiện của đái tháo đường type 2 cũng có 4 triệu chứng điển hình như ăn nhiều, uống nhiều, đái nhiều, gầy nhiều, tuy nhiên mức độ nhẹ, kín đáo.

Điều trị đái tháo đường type 2 chủ yếu là dùng viên uống hạ glucose máu, trường hợp nặng hoặc không đáp ứng với viên uống có thể kết hợp vừa uống và tiêm insulin. Bên cạnh việc dùng thuốc, cần phải điểu chỉnh chế độ ăn và luyện tập, cũng có tác dụng tốt giúp duy trì lượng glucose trong máu.

Đái tháo đường thai kỳ

Đái tháo đường thai kỳ là tình trạng tăng glucose huyết được phát hiện lần đầu khi mang thai, dù không xác định được là mắc từ trước hay khi đã mang thai.

Nguyên nhân của đái tháo đường thai kỳ được giải thích là do thay đổi nội tiết khi mang thai, gây đề kháng insulin, hậu quả là làm tăng glucose máu, nhất là sau ăn. Bệnh thường khỏi, tức lượng glucose huyết về bình thường sau khi sinh, nhưng cũng có nhiều trường hợp diễn biến thành bệnh đái tháo đường.

Biểu hiện của đái tháo đường thai kỳ cũng có 4 triệu chứng điển hình là ăn nhiều, uống nhiều, đái nhiều và gầy nhiều. Nhưng không rõ ràng, nhiều trường hợp không có biểu hiện rõ ràng, đôi khi chỉ được phát hiện khi đi khám thai.

Điều trị đái tháo đường thai kỳ, chỉ được dùng duy nhất một biện pháp là tiêm insulin có nguồn gốc từ người. Một điểm hết sức lưu ý trong điều trị đái tháo đường thai kỳ là không để glucose máu quá cao, nhưng cũng không được để quá thấp. Bởi vì nếu lượng glucose máu cao sẽ gây ra nhiều biến chứng, nhưng nếu glucose máu thấp lại có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Tốt nhất nên duy trì glucose máu ở mức 5 – 7mmol/L, HbA1C ở mức dưới 6,5%.

Các thể đái tháo đường đặc biệt

- Khiếm khuyết gen hoạt động của tế bào beta đảo Langerhans tụy: Thể này khởi phát ở người trẻ, thường dưới 25 tuổi, nguyên nhân do đột biến gen.

- Khiếm khuyết gen hoạt động của insulin: Do đột biến thụ thể của insulin ở cơ quan đích, làm giảm hoặc mất hoạt động hoàn toàn của insulin ở cơ quan đích.

- Bệnh lý tuyến tụy: Tất cả các bệnh lý gây tổn thương tuyến tụy như viêm tụy, chấn thương tụy, ung thư, cắt bỏ tụy, sỏi tụy,…

- Các bệnh nội tiết: Một số bệnh tiết quá nhiều hormon ảnh hưởng đến hoạt động của insulin, như bệnh gây tăng tiết hormon GH, cortisol, glucagon,... cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường.

- Đái tháo đường do thuốc hoặc hóa chất: Thuốc diệt cỏ, diệt chuột, acid nicotinic, corticosteroid,…

- Nhiễm một số loại virus như coxackie, adenovirus,… cũng có thể gây bệnh đái tháo đường.
 

Ths.Bs Vũ Văn Lực

Đái tháo đường