Chảy máu ngoài chu kỳ kinh nguyệt là một hiện tượng bất thường mà chị em phải lưu tâm. Nguyên nhân nào gây ra tình trạng chảy máu ngoài ngày "đèn đỏ" và việc này có nguy hiểm như thế nào?

Nguyên nhân chảy máu ngoài "đèn đỏ"

Khi tới tuổi dậy thì, người phụ nữ sẽ thấy xuất hiện kinh nguyệt và chu kỳ kinh nguyệt sẽ lặp lại theo tháng và đây là hoạt động sinh lý hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, nếu ngoài chu kỳ kinh nguyệt mà chị em thấy xuất hiện tình trạng chảy máu thì thật sự đáng lo ngại, gây tâm lý bất an dù việc chảy máu này có thể không gây đau rát, số lượng không nhiều.

Theo các bác sỹ, thực chất, hai nhóm nguyên nhân cơ bản gây sự chảy máu bất thường gồm:

- Liên quan đến hormon sinh dục nữ khiến cho sự phát triển của niêm mạc tử cung không bình thường và chảy máu cũng xuất hiện không bình thường.
- Liên quan đến các chấn thương cơ học, các tổn thương bệnh lý xuất hiện tại âm đạo làm mất đi sự liền mạch của âm đạo. Sự chảy máu cũng sẽ xuất hiện y hệt như các nguyên nhân liên quan đến hormon.
Nhóm đối tượng dễ bị chảy máu ngoài kinh nguyệt và nguy cơ tiềm ẩn

1. Dùng thuốc tránh thai: Dùng thuốc tránh thai (thuốc tránh thai hàng ngày hoặc thuốc tránh thai khẩn cấp) có thể gây nên hiện tượng rối loạn kinh nguyệt, được thể hiện bằng sự chảy máu giữa hai chu kỳ kinh. Lý do là bởi thuốc tránh thai có bản chất là hormon sinh dục nữ nên các thuốc này dễ dàng tác động làm thay đổi nồng độ các hormone trong cơ thể, từ đó gây nên hiện tượng chảy máu bất thường giữa hai kỳ kinh.

 
Một đặc điểm của sự chảy máu ở nhóm đối tượng này là sự rối loạn kinh nguyệt xảy ra trong 3 tháng đầu tiên khi dùng thuốc. Nó sẽ bình ổn trở lại vào những thời điểm xa hơn. Sự chảy máu do thuốc tránh thai được coi là sự chảy máu an toàn và lành tính nhất. Tuy nhiên, nếu dùng thuốc được 3 tháng hoặc dừng thuốc 3 tháng mà âm đạo vẫn chảy máu thì bạn cần tạm thời dừng thuốc lại và đi khám phụ khoa để kiểm tra lại sự tương thích của thuốc với cơ thể.

2. Phụ nữ ở tiền mãn kinh, mãn kinh hoặc mới sảy thai: Nguyên nhân cũng là do sự biến động hormone.Phụ nữ tiền mãn kinh có hiện tượng chảy máu âm đạo là do buồng trứng không còn hoạt động đồng nhất, bắt đầu đi vào giai đoạn thoái hóa, có trứng thì hoạt động theo chu kỳ nhưng có trứng không còn hoạt động theo chu kỳ.
Sự chảy máu này cũng không đáng lo vì không phải là hiện tượng bệnh lý. Nó sẽ tự hết đi khi chúng ta qua độ tuổi này và bình ổn trở lại, hiện tượng chảy máu sẽ mất dần và tiến tới sạch kinh.

Với nhóm phụ nữ mới bị sảy thai thì cơ thể chưa trở về trạng thái thăng bằng như bình thường, vẫn còn tàn dư của hormon trong giai đoạn mang thai và tiếp tục bị rối loạn kinh nguyệt song nó cũng không kéo dài, chỉ chừng 1-2 tháng sau khi sảy thai mà thôi. Bạn cũng không có gì quá lo lắng khi mình nằm trong nhóm đối tượng này.

3. Phụ nữ bị viêm loét âm đạo do các bệnh lây truyền qua đường tình dục:  Các bệnh này làm nhiễm khuẩn âm đạo, gây viêm loét bề mặt và làm tổn thương mạch máu nên sẽ gây chảy máu.Nguyên nhân là do quan hệ tình dục không an toàn trước đó, quan hệ với nhiều bạn tình hoặc bạn tình của bạn bị nhiễm bệnh. Ở dạng này, máu chảy ra thường không rõ ràng, kèm theo ngứa, rát âm hộ, âm đạo và khí hư.

4. Các rối loạn liên quan đến chấn thương âm đạo tử cung như dụng cụ tử cung không thích hợp, giao hợp quá thô bạo: Những tác động này khiến cho chấn thương lớp niêm mạc âm đạo tử cung và gây ra chảy máu. Tuy nhiên, những dạng chảy máu này là không đáng ngại và không tiềm ẩn nguy cơ sức khỏe hệ trọng.Với loại này, bạn chỉ cần giải quyết vấn đề dụng cụ tử cung bằng cách đặt lại hoặc tháo bỏ thì chảy máu sẽ hết hoặc bạn chịu khó chăm sóc vài ngày và không quan hệ tình dục cũng sẽ nhanh lành bệnh.

5. Người bị buồng trứng đa nang, bệnh lạc nội mạc tử cung: Đây là một dạng chảy máu bất thường giữa hai chu kỳ kinh rất đáng lo vì nó có thể gây ra vô sinh.Hội chứng buồng trứng đa nang là hiện tượng buồng trứng có rất nhiều nang trứng phát triển nhưng không thể to lên và phóng noãn được. Các nang trứng cứ tuần tự gối nhau phát triển nhưng không nang trứng nào chín và giải phóng noãn (rụng trứng) do vỏ buồng trứng quá dày và trứng không thể lớn lên thêm.

Chính sự phát triển nhiều và đồng loạt của các nang trứng mà ở nhóm đối tượng này, nồng độ hormon sinh dục không đều, không thành chu kỳ và cao thấp thất thường, có khi thì quá nhiều hormon sinh dục nữ nhưng có khi lại chẳng có đủ hormon như kỳ vọng. Kết quả là người phụ nữ bị nhóm bệnh này luôn bị rối loạn kinh nguyệt: khi thì chảy máu giữa chu kỳ kinh khi thì vô kinh.

6. Phụ nữ bị bệnh lý ác tính như ung thư âm đạo, ung thư cổ tử cung: Các khối u phá vỡ cấu trúc bình thường của các cơ quan sinh dục. Chúng làm cho lớp niêm mạc dễ bị tổn thương và dễ bị chảy máu, gây ra viêm loét bề mặt và khiến cho sự chảy máu bất thường diễn ra y hệt như viêm loét âm đạo do các bệnh lây truyền qua đường tình dục.Đồng thời, dưới sự tác động của khối u, buồng trứng bị kích thích và bị rối loạn chức năng. Hoạt động chế tiết hormon sinh dục của buồng trứng bị rối loạn gây ra sự chảy máu bất thường ngoài kỳ kinh.

Đây là bệnh lý đáng ngại nhất trong các nhóm bệnh lý gây ra chảy máu ngoài kỳ kinh vì chúng có thể di căn và tác động lên toàn cơ thể, mở màn cho một sự rối loạn toàn cơ thể mà sự chảy máu bất thường mới chỉ là dấu hiệu ban đầu. Chúng cũng có thể rút ngắn tuổi thọ của bạn ngoài mong muốn.

Xử lý chảy máu ngoài kỳ kinh thế nào?

Với chảy máu bất thường ngoài kỳ kinh, tùy theo hiện tượng chảy máu, số lượng máu chảy và các dấu hiệu kèm theo, chúng ta có các giải pháp khác nhau.

- Nếu lượng máu chảy ra không nhiều và chỉ cần thấm băng, máu chảy ra màu đỏ tươi, bạn có thể yên tâm đó chỉ là những chấn thương bên trong có thể do quan hệ tình dục gần đây gây ra. Bạn chỉ cần nghỉ ngơi, tránh lao động nặng, đôi ba ngày hiện tượng này sẽ hết song cần chú ý vệ sinh cơ quan sinh sản sạch sẽ để tránh nhiễm trùng thứ phát.
- Nếu máu chảy ra lại có khí hư, mùi hôi, dịch nhờn nhiều và thậm chí có mủ… là chảy máu do viêm nhiễm đường sinh dục, có thể do các bệnh lây truyền qua đường tình dục gây ra. Bạn cần vệ sinh sạch sẽ và dùng thuốc kháng sinh điều trị. Hiện tượng chảy máu sẽ hết sau khi bệnh chính được điều trị triệt để.
- Nếu chảy máu có kèm theo các hiện tượng như mót dặn, mót tiểu thì nguy cơ bạn bị khối u rất lớn. Lúc này bạn cần đi khám tại các cơ sở sản phụ khoa để có hướng xử lý kịp thời.
- Nếu chảy máu có liên quan đến các thuốc tránh thai thì bạn có thể yên tâm. Vì một thời gian ngắn sau bạn có thể tự bình ổn trở lại. Nhưng nhớ là không được lạm dụng thuốc tránh thai, nhất là thuốc tránh thai khẩn cấp.
Nhìn chung, mọi trường hợp có chảy máu nhiều, chảy máu kéo dài thì bạn cần đi khám ngay. Lúc này bạn cần được xác định chính xác để xử trí sớm trước khi quá muộn.