Kinh nguyệt là hiện tượng sinh lý bình thường và máu kinh thường vô khuẩn, tuy nhiên, nếu vệ sinh kinh nguyệt không đúng sẽ là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và gây bệnh.
Kinh nguyệt là tấm gương phản chiếu tình hình hoạt động nội tiết của trục vùng dưới đồi, tuyến yên, buồng trứng và niêm mạc tử cung. Kinh nguyệt ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe sinh sản vì vậy chị em cần theo dõi kinh nguyệt cẩn thận để biết cách chăm sóc sức khỏe cho mình một cách tốt nhất.
Các thời kỳ trong cuộc đời người phụ nữ dựa vào kinh nguyệt
Nếu lấy kinh nguyệt làm mốc, cuộc đời hoạt động sinh dục của người phụ nữ thường sẽ được chia thành các thời kỳ khác nhau gồm:
- Thời kỳ niên thiếu: trước khi người phụ nữ hành kinh lần đầu.
- Tuổi dậy thì: được đánh dấu bằng kỳ hành kinh đầu tiên.
- Thời kỳ hoạt động sinh sản: là thời kỳ trong đó người phụ nữ hành kinh đều đặn, vòng kinh có phóng noãn, có khả năng sinh sản.
Khi nào thì bắt đầu có kinh nguyệt
Độ tuổi có kinh thường bắt đầu từ lúc 12, 13 tuổi song cũng có một số trường hợp có kinh sớm hoặc muộn hơn. Ngày nay, tuổi dậy thì diễn ra sớm hơn đa phần là do chế độ dinh dưỡng, hóa chất môi trường, thay đổi hormone,… Thậm chí, có những trường hợp thấy kinh lúc mới 8, 9 tuổi.
Các bác sỹ cho hay, kinh nguyệt xuất hiện sớm quá cũng là điều không tốt bởi ngoài việc các bé chưa biết cách chăm sóc, bảo vệ mình thì một số trường hợp (dù hiếm) còn có thể bị những khối u tuyến yên nên kích thích dậy thì sớm.
Điều cần biết về chu kỳ kinh nguyệt
Chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ được tính từ lúc bắt đầu thấy kinh của chu kỳ này đến lúc bắt đầu thấy kinh của chu kỳ tiếp theo, trung bình là 28 ngày. Tuy nhiên, một số người có chu kỳ kinh nguyệt ngắn hơn (ít hơn 28 ngày) hay muộn hơn (trên 28 ngày). Số khác có thể bị bế kinh (nhiều tháng liền không có kinh) hay bị rối loạn kinh nguyệt (lúc sớm lúc muộn, không thể xác định được chu kỳ).
Tất cả các trường hợp chu kỳ kinh nguyệt không đều sẽ dẫn đến khó xác định được ngày rụng trứng để tăng khả năng thụ thai hoặc tránh thai, nhất là với các trường hợp bị rối loạn kinh nguyệt hay vài tháng mới có kinh một lần thì cơ hội mang thai có thể khó hơn (có thể là nguyên nhân của hiếm muộn).
Hội chứng tiền kinh nguyệt
Trước khi có kinh vài ngày, một số phụ nữ cảm thấy dễ bị kích thích, hay cáu bẳn, khó tập trung, tính khí thất thường, khó tính, có cảm giác nặng nề, vú cương đau và to hơn bình thường, đau bụng trước khi thấy kinh... Hiện tượng này gọi là hội chứng tiền kinh nguyệt.
Đặc điểm của máu kinh nguyệt
Máu kinh là một hỗn dịch máu không đông chứa cả chất nhầy của tử cung, cổ tử cung, vòi trứng; những mảnh niêm mạc tử cung; những tế bào bong của âm đạo, cổ tử cung. Máu thực sự chỉ chiếm khoảng 40%.
Máu kinh có mùi hơi nồng, không tanh như máu chảy do nguyên nhân khác.
Lượng máu kinh mất đi trong mỗi chu kỳ
Lượng máu kinh mất đi trong mỗi kỳ kinh thay đổi theo tuổi. Ở lứa tuổi 50, lượng máu kinh nhiều hơn so với tuổi 15. Nói chung, lượng máu kinh bình thường vào quãng 60-80 ml. Số ngày hành kinh là 3-4 ngày.
Lượng máu kinh thường nhiều vào những ngày giữa, không có mối liên quan nào giữa độ dài của kỳ kinh và lượng máu kinh.
Lượng máu kinh khác nhau giữa người này và người khác, nhưng không khác bao nhiêu giữa các kỳ kinh của mỗi người.
Những trường hợp chỉ thấy kinh 1-2 ngày là sạch gọi kinh ít (thiểu kinh) hay kinh kéo dài hơn một tuần, lượng kinh nhiều gọi là băng kinh (hay cường kinh) đều cần đi khám kiểm tra.
Lời khuyên của thầy thuốc
Kinh nguyệt là hiện tượng sinh lý bình thường và máu kinh thường vô khuẩn, tuy nhiên, nếu vệ sinh kinh nguyệt không đúng sẽ là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và gây bệnh.Vì vậy, các bạn không nên có quan niệm sai lầm như tránh tắm rửa, gội đầu hay tránh vận động trong ngày thấy kinh. Thay vào đó, các bạn nên tắm gội bằng nước ấm, vệ sinh vùng kín, thay băng nhiều lần và nên vận động nhẹ. Trong những ngày này, các bạn cũng không nên mặc các loại quần bó, chật.