Đã ghi nhận hơn 281.000 ca mắc, 110 ca tử vong do sốt xuất huyết

Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 281.189 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 110 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2021 (56.240/21) số mắc tăng 4,8 lần, số tử vong tăng 89 trường hợp.

So với tuần 42, số ca mắc mới sốt xuất huyết tăng lên thêm hơn 10.000 ca, số tử vong tăng 2 ca.

Tại phía Nam, ngoài TP HCM, nhiều địa phương khác trong khu vực đã ghi nhận ca mắc sốt xuất huyết ở mức cao; một số tỉnh, thành của khu vực miền Trung, Tây Nguyên cũng tiếp tục ghi nhận số mắc và tử vong ở mức cao.

 
Theo thống kê, tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 281.189 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 110 ca tử vong. Ảnh: TL
Tại phía Bắc, Hà Nội là địa phương có số mắc tăng cao, theo đó số tử vong cũng tăng lên. Các chuyên gia dự báo trong thời gian tới số mắc và tử vong tiếp tục diễn biến phức tạp và số mắc ở mức cao do cao điểm mùa dịch hàng năm đến tháng 11-12.

Các chuyên gia cho rằng, số ca mắc sốt xuất huyết tăng có nguyên nhân là do biến đổi khí hậu, tốc độ đô thị hóa nhanh, giao thương đi lại giữa các vùng miền làm tăng nguy cơ lan rộng và khó quản lý, kiểm soát nguồn truyền bệnh, môi trường tại các công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, nhà trọ, lán trại không được quan tâm xử lý dẫn đến phát sinh các ổ lăng quăng, bọ gậy của muỗi truyền bệnh.

Công tác phòng, chống sốt xuất huyết cần sự tham gia, phối hợp liên ngành, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp; cần người dân, cộng đồng cùng tham gia xử lý triệt để ổ lăng quăng, bọ gậy tại nhà, tại cộng đồng, trường học...

Theo Tổ chức Y tế thế giới, sốt xuất huyết được xếp vào 10 thách thức y tế toàn cầu. Có 40% dân số trên thế giới sống trong vùng nguy cơ nhiễm sốt xuất huyết Dengue, tỉ lệ mỗi lúc mỗi tăng.

3 sai lầm thường gặp khiến bệnh nhân mắc sốt xuất huyết Dengue trở nặng

BS Nguyễn Thị Hiệp- Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cũng chỉ ra 3 sai lầm thường gặp khiến bệnh nhân mắc sốt xuất huyết Dengue trở nặng thậm chí tử vong.

Thứ nhất: Chủ quan không đi khám bệnh

Sốt xuất huyết được chia thành 3 mức độ: nhẹ, có dấu hiệu cảnh báo và nặng. Mặc dù mức độ nhẹ có thể được chỉ định theo dõi tại nhà nhưng người bệnh vẫn cần đi khám để được chẩn đoán và theo dõi vì bệnh có thể tiến triển từ mức độ nhẹ sang nặng.

Đối với sốt xuất huyết ở mức độ nặng có thể gây ra biến chứng nặng như xuất huyết nội tạng, tổn thương não, tổn thương gan thận, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện kịp thời.

Thứ hai: Hết sốt là khỏi bệnh

Sự thực là sau giai đoạn sốt cao lại chính là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh. Sau 2-7 ngày, phần lớn người bệnh đã hết sốt và cảm thấy dễ chịu hơn nhưng đây lại là giai đoạn tiểu cầu giảm nặng và thoát huyết tương. Triệu chứng bắt đầu nhận rõ như: xuất huyết dưới da, chảy máu cam…

Tùy vào mức độ cũng như biến chứng của bệnh có thể dẫn đến chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi, xuất huyết tiêu hóa, sốc dengue, thậm chí tử vong. Chính vì vậy, đây là giai đoạn cần được bác sĩ theo dõi sát sao và bệnh nhân cần được nghỉ ngơi tuyệt đối, hạn chế vận động nặng, đi lại nhiều.

Thứ ba: Chỉ mắc bệnh 1 lần trong đời

 
Nguyên nhân gây bệnh COVID-19 và sốt xuất huyết (Nguồn: WHO)
Bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra với 4 tuýp, ký hiệu là D1, D2, D3, D4. vì vậy có thể hiểu rằng một người có thể mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời với 4 tuýp virus khác nhau.

Cũng về nội dung này, PGS.TS Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur TP. HCM cho biết, sốt xuất huyết dengue do 4 tuýp huyết thanh của virus dengue gây ra. Nhiễm virus dengue thứ phát có thể làm tăng nguy cơ sốt xuất huyết nghiêm trọng hơn.

"Nói một cách khác, những lần nhiễm virus về sau sẽ khiến người bệnh có thể diễn biến nặng hơn so với lần nhiễm trước đó. Tuy nhiên, việc sốt xuất huyết có diễn biến nặng hơn hay không còn phụ thuộc nhiều vào việc phát hiện, chẩn đoán, điều trị có kịp thời và đúng phác đồ hay không" – ông Trung nhấn mạnh.

 
Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO): Sốt xuất huyết và COVID-19 đều có những triệu chứng giống nhau ở giai đoạn khởi phát của bệnh, ví dụ như sốt, đau đầu, mệt mỏi toàn thân. Nhưng đây là hai bệnh hoàn toàn khác nhau, từ nguyên nhân gây bệnh và chủng loại virus. COVID-19 do virus corona (SARS-CoV-2) gây ra, còn sốt xuất huyết dengue là do virus gây bệnh sốt xuất huyết gây ra.

WHO nhấn mạnh: Nếu bạn có các triệu chứng trên, hãy tư vấn với nhân viên y tế ngay lập tức để đảm bảo bạn được chẩn đoán và điều trị đúng, tránh nguy cơ bệnh trở nặng.
 
Nguồn: suckhoedoisong.vn.