Chuyển hóa lipid trong cơ thể

Lipid vào cơ thể qua đường thức ăn, dưới tác dụng của men lipase tại tá tràng, một phần các acid béo được chuyển thành dạng tự do, từ đó được hấp thu vào cơ thể theo đường tĩnh mạch cửa về gan. Phần lớn lượng lipid còn lại kết hợp với muối mật tạo thành dạng nhũ tương, rồi được hấp thu qua đường bạch mạch. Ngoài được hấp thu từ thức ăn, phần lớn lượng lipid được tạo ra do chuyển hóa trong cơ thể, còn gọi là con đường nội sinh, theo đó các sản phẩm chuyển hóa của cơ thể sẽ được tổng hợp thành acid béo và glycerin tại gan, từ đó tạo thành lipid. Cả hai loại lipid này đều gắn với các apoprotein tạo thành lipoprotein tỷ trọng rất thấp (very low density lipoprotein - VLDL) thành phần chủ yếu là triglycerid  rồi đưa vào hệ tuần hoàn chung.

VLDL theo đường máu tới mô mỡ, trao phần triglycerid cho mô mỡ, tỷ trọng tăng lên và lần lượt biến thành tỷ trọng trung gian, rồi tỷ trọng thấp (low density lipoprotein – LDL) gồm đa số là cholesterol và phospholipid, còn gọi là LDL-Cholesterol (LDL-C). Sau khi trao cholesterol cho các tế bào theo nhu cầu, LDL-C chuyển thành lipoprotein tỷ trọng cao (high density lipoprotein – HDL). Tiếp đó, nếu các mô thừa cholesterol, HDL có tác dụng vận chuyển cholesterol ra khỏi các mô để về gan.

Rối loạn chuyển hóa lipid máu

Có nhiều thành phần lipid trong máu, nhưng được sử dụng thường xuyên trên lâm sàng gồm bốn thành phần chính là cholesterol toàn phần, LDL-C, HDL-C và triglyceride. Các thành phần lipid trong máu thay đổi rất nhiều do thức ăn, nên để xét nghiệm đánh giá sự thay đổi lipid trong máu, tốt nhất là lấy máu xét nghiệm sau ăn ít nhất 12 giờ.

Trị số bình thường các thành phần lipid trong máu:
  • Cholesterol toàn phần: < 5,2mmol/L
  • HDL-C: > 0.9 mmol/L
  • LDL-C: < 3,4mmol/L
  • Triglycerid: < 2,3 mmol/L
Thường căn cứ vào kết quả xét nghiệm lipid máu, tùy theo thành phần nào thay đổi mà chia ra các loại rối loạn khác nhau. Trong thực tế lâm sàng thường chia ra hai nhóm, liên quan đến lựa chọn thuốc điều trị:
  • Rối loạn chuyển hóa lipid đơn thuần: Chỉ có LDL-C cao trên 3,4mmol/L, các loại lipid khác trong giới hạn bình thường.
  • Rối loạn chuyển hóa lipid loại phối hợp: Cả LDL-C và triglycerid đều tăng.

Nguyên nhân gây rối loạn lipid máu

Rối loạn chuyển hóa lipid máu có thể do nhiều nguyên nhân gây ra:
  • Chế độ ăn: Ăn quá nhiều chất béo bão hòa, có nhiều trong mỡ động vật, sữa, các sản phẩm từ sữa, bơ, dầu dừa,….
  • Ít vận động thể lực, dẫn tới béo phì: Béo phì là tình trạng tích lũy mỡ quá mức và không bình thường tại một số bộ phận hay toàn thân, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và là nguyên nhân gây rối loạn chuyển hóa lipid máu.
  • Uống nhiều rượu, bia, hút thuốc lá là nguyên nhân gây rối loạn chuyển hóa lipid máu.
  • Do di truyền, thiếu hụt men lipase, rối loạn gen chuyển hóa HDL-Cholesterol,… cũng gây ra tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid.
  • Rối loạn chức năng tuyến nội tiết: Một số tuyến nội tiết như tuyến yên, tuyến giáp, tuyến thượng thận… bài tiết các hormon có tác dụng tham gia vào quá trình chuyển hóa lipid trong cơ thể. Sự rối loạn chức năng của các tuyến nội tiết sẽ gây nên tình trạng rối loạn lipid máu.
  • Nguyên nhân thứ phát: Rối loạn chuyển hóa lipid do hậu quả một số bệnh như hội chứng thận hư, suy giáp, đái tháo đường, suy gan,…

Cải thiện mỡ máu an toàn, hiệu quả tại nhà

Rối loạn chuyển hóa lipid máu, trong đó đặc biệt tăng LDL-Cholesterol (cholesterol tỷ trọng thấp) là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh, như xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, tiểu đường…. có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, thiểu năng mạch vành, tai biến mạch não. Do đó người bệnh cần thăm khám sớm để được điều trị mỡ máu. Cùng với điều trị của bác sĩ thì người bệnh cần có chế độ ăn giảm cholesterol và giảm calo (nếu có béo phì), đó là hạn chế thức ăn nhiều đạm như thịt lợn, thịt bò, thịt chó, trứng, hải sản,… Không ăn mỡ, phủ tạng động vật, các loại phô mai, bơ, kem, bánh ngọt… Nên ăn nhiều rau, uống nhiều nước, ngày uống ít nhất 2,5 lít nước sôi để nguội, ăn nhiều trái cây tươi.  Uống ít rượu bia, bỏ hút thuốc. Người bệnh cần thường xuyên tập thể dục thể thao, hãy chọn tập môn hợp sở thích, sức khỏe. Ngày tập ít nhất 60 phút, ít nhất 5 ngày/ tuần.

Ngoài ra để hỗ trợ điều trị và phòng bệnh liên quan đến tim mạch, lipid máu thì người bệnh có thể chọn dùng thêm sản phẩm dầu cá Omega-3 chứa acid béo không bão hòa. Acid béo DHA và EPA là thành phần chính của dầu cá, tác dụng làm hạ triglycerid khá mạnh, làm tăng HDL-C vừa phải. Nhóm này được dùng trong trường hợp triglycerid cao và thường dùng phối hợp với nhóm fibrate. Theo các chuyên gia Omega-3 sẽ giúp giảm mỡ máu nhờ chứa hàm lượng cao EPA và DHA, dùng như một biện pháp thay thế (hoặc kết hợp với thuốc điều trị) để giảm mỡ máu (đặc biệt là LDL và Triglyceride). Nên chọn bổ sung Omega-3 Triglyceride với DHA và EPA hàm lượng cao, giàu EPA.

Để giúp giảm các biến chứng thần kinh và mạch máu ở bệnh nhân đái tháo đường, rối loạn lipid thì người bệnh có thể dùng thêm sản phẩm có chứa các dưỡng chất giúp tăng hoạt huyết đã được sử dụng nhiều như Ginkgo biloba, cao Blueberry, vitamin nhóm B như  B1 và B6, B2, B12 và Chondroitin - thành phần giúp sinh các collagen cần thiết để tái tạo lại thành mạch máu, các melamine của các vỏ rễ thần kinh. 

Hãy có thói quen sống tích cực, lành mạnh để giữ cho các chỉ số cơ thể ở mức bình thường trong đó có chỉ số lipid, cũng sẽ giúp tránh xa các bệnh tim mạch nguy hiểm.